Kitô giáo tại Việt Nam

Kitô giáo tại Việt Nam hiện gồm có Giáo hội Công giáo và các Hội thánh Tin Lành. Kitô giáo được truyền vào đất nước này từ thế kỷ 16, thông qua các thừa sai tới từ Iberia. Công giáoTin Lành ngày nay được ghi nhận là chiếm 7% và 2% dân số cả nước; tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn, như 10% dân số Công giáo và 5% dân số Tin Lành.[1]Đức tin Công giáo đã được truyền bá bởi các nhà truyền giáo khác nhau nhưng các tu sĩ Dòng Tên, bắt đầu có mặt từ năm 1615, mới là những người có công lớn trong việc thiết lập vững chắc các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại cả Đàng TrongĐàng Ngoài.[2] Ngày chiếc thuyền của các nhà truyền giáo cập bến tại Đàng Ngoài năm 1627 cũng đúng vào ngày lễ Thánh Giuse (19 tháng 3) nên Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng.Năm 1911, các nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp (Christian and Missionary Alliance – C&MA) đặt chân đến Đà Nẵng để bắt đầu truyền bá Phúc âm theo đức tin Kháng Cách (Protestantism), thường gọi chung là Tin Lành.Việt Nam hiện nay có khoảng 7 triệu tín hữu Công giáo và 2 triệu tín hữu Tin Lành, lớn nhất trong số đó là Hội thánh Tin Lành Việt Nam.[3] Ngày nay, Kitô giáo cũng như nhiều tôn giáo khác đều gặp sự hạn chế từ Chính phủ Việt Nam.[cần dẫn nguồn]Trước hết, các nhà truyền giáo đã theo các thuyền buôn để đến Việt Nam từ thế kỷ thứ 16, 17, trong tay không có vũ khí để tự vệ. Đa số là người Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, có cả người Nhật Bản. Cả trăm năm sau mới có giáo sĩ người Pháp của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris. Linh mục Alexandre de Rhodes, cũng như các thừa sai Dòng Tên khác, đến Việt Nam theo quy chế bảo trợ của Bồ Đào Nha. Bản thân ông là người Avignon, lãnh địa của Giáo hoàng, mãi tới năm 1791 mới thuộc nước Pháp.Sau 1975, chính quyền đã cho phổ biến qua sách vở, báo chí, trong trường học hay trong các trại tù “cải tạo” v.v. khẳng định rằng các nhà truyền giáo người Âu châu đến Việt Nam để làm “gián điệp” chuẩn bị trước cho quân Pháp đến xâm lăng nước ta! Điều đó đúng hay không?Một người từ tuổi thiếu niên đã tình nguyện vào tu học trong các chủng viện, nhà tu cho đến khi trưởng thành, được chọn làm linh mục, ít nhất cũng trải qua 14 năm học hành và có trẻ nhất cũng phải 25, 26 tuổi trở lên. Họ được lựa chọn trong số những thanh niên xuất thân từ con nhà đạo đức, được giáo dục của cha mẹ, gia đình, có gương lành, gương tốt trong xã hội và được học hành có trình độ Đại học. Họ đã tình nguyện bỏ cha mẹ, anh em, bỏ quê hương, dân tộc của mình để đi đến những nơi đất lạ xứ người, khác tiếng nói, khác phong tục, có khi phải trải qua những nơi khí hậu khắc nghiệt, phải sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn để hòa mình với những người địa phương với cuộc sống thấp kém.Họ đã bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn và bị xét xử bất công, bị lên án và bị xử tử hình với tất cả những hình thức dã man nhất mà con người có thể sử dụng vào giai đoạn đó. Nếu không bị chết vì cực hình trên đất nước Việt Nam thì họ cũng đã chết vì ốm yếu bệnh hoạn tại đất nước này chứ không muốn trở lại nơi sinh quán của mình. Họ đã học tiếng Việt, nói tiếng Việt, có tên gọi bằng tiếng Việt và sống với người Việt theo phong tục Việt Nam vì họ đã chọn Việt Nam làm quê hương. Họ sống như thế với niềm tin sẽ được phần thưởng trên thiên đàng sau khi chết chứ không phải để được tiền tài, danh vọng ở thế gian này. Họ đến Việt Nam với lý tưởng của họ là “Rao Truyền Lời Chúa” và mời gọi mọi người gia nhập Giáo Hội của Chúa.Thử hỏi có chính quyền nào đào tạo được một người gián điệp để chấp nhận hy sinh tất cả, kể cả mạng sống chỉ vì một niềm tin vào một thế giới nào đó, sau khi chết?Chính sách thực dân là do các vua chúa, do các chính quyền tại Âu châu chứ không phải do chủ trương của Giáo hội Công giáo.Trước khi đạo Thiên Chúa vào Việt Nam thì lịch sử cũng đã ghi nhận cả ngàn năm, dưới thời nhà Hán, nhà Đường, nhà Minh... dân tộc Việt Nam bị người phương Bắc đô hộ, các tôn giáo từ phương Bắc xâm nhập vào nước ta như Nho giáo, Lão giáo. Dân tộc Việt Nam đã đón nhận không kỳ thị, không xua đuổi nền văn hóa đó. Sau khi dân tộc Việt đánh đuổi được xâm lăng phương Bắc, giành lại độc lập thì văn tự, tư tưởng đạo đức, tôn giáo, v.v. từ phương Bắc truyền sang vẫn tồn tại với dân tộc Việt Nam cho đến bây giờ.Các đế quốc, các thương nhân hay các nhà đạo đức, văn hóa... mỗi người có con đường riêng của mình để đi theo, có chủ trương của mình để thực hiện. Cái gì xấu thì sẽ mất đi, cái gì tốt thì sẽ còn lại. Người Việt chỉ đánh đuổi bọn xâm lăng và loại trừ cái xấu chứ không từ chối điều tốt, điều hay từ phương Bắc mang đến.Đọc lịch sử, chúng ta biết chế độ Cộng hòa Pháp sau 1789 là chế độ chống lại Giáo hội Công giáo tại Pháp. Từ năm 1857 khi vua Napoléon III lập ra một Ủy ban để nghiên cứu về Việt Nam tới năm sau đó khi Pháp xâm lăng, cho đến Hòa ước 1862, hoàn toàn là chủ trương của Pháp, không liên quan gì đến Giáo hội Công giáo và Giáo triều Roma.Pháp chỉ lợi dụng việc vua Việt Nam cấm đạo để gây hấn, lấy danh nghĩa bênh vực người Công giáo để xâm lược Việt Nam. Nếu không có lý do đó, Pháp cũng sẽ tìm lý do khác.Việt Nam mất nước vào hậu bán thế kỷ thứ 19 là vì lạc hậu, yếu kém, không chịu đổi mới để tự cường; dân bị vua quan bóc lột, đời sống quá nghèo đói, thấp kém, vua quan giết hại dân theo đạo Công giáo, gây chia rẽ trong nước, làm suy yếu cả dân tộc nên không đủ sức chống lại xâm lăng.Cùng hoàn cảnh như Việt Nam, có khi còn kém thua Việt Nam nữa, tại sao Nhật Bản trở thành cường quốc? Nhờ vua Minh Trị (1868) canh tân nước Nhật và chỉ không đầy 30 năm sau (1905), Nhật là một nước Á châu, đã chiến thắng nước Nga.Thái Lan nhờ có chính sách ngoại giao khôn khéo, mở cửa cho Tây phương vào buôn bán mà giữ được độc lập, không bị xâm lăng.Giáo lý của đạo Công giáo là thực thi công bằng và bác ái giữa người với người, tin vào Thiên Chúa là Đấng có quyền thưởng phạt... Những người đi rao giảng giáo lý đó đương nhiên chống lại chủ trương đi xâm lăng, cướp nước, hà hiếp, bóc lột dân lành. Vậy, sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng đạo Công giáo với đế quốc thực dân là một.Trong lịch sử Việt Nam, người Công giáo có quyền ủng hộ chế độ này hay chế độ khác, có quyền ủng hộ một chính quyền (hay một lãnh tụ) nào không chủ trương áp bức, bách hại tín đồ Công giáo, không tạo nên bất công, nghèo đói, chiến tranh, v.v. Vào hậu bán thế kỷ 18, khi anh em Tây Sơn nổi lên chống lại chúa Nguyễn, người Công giáo ở Đàng Trong ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long) để phục quốc mà không ủng hộ anh em Tây Sơn cũng là điều hợp lý đối với hoàn cảnh chính trị xã hội của nước Việt Nam thời đó. Nhà Tây Sơn tuy tạo được chiến thắng về quân sự, nhưng về chính trị, kinh tế, chính sách tôn giáo... lúc đó không phù hợp với người Công giáo. Người dân có quyền biết ơn các chúa Nguyễn đã thực hiện cuộc Nam tiến, mở rộng giang sơn về phương Nam cho dân có đất, có ruộng để sinh sống...Nhiều người đã dẫn chứng sự kiện Giám mục Bá Đa Lộc Bỉ Nhu (Pierre Pigneau de Béhaine) giúp vua Gia Long chống Tây Sơn để buộc tội đạo Công giáo đưa người Pháp vào xâm lăng nước ta. Thiết tưởng, cũng cần phải nói rõ về trường hợp của Giám mục này:Ông giúp Gia Long với tư cách cá nhân, với phương tiện riêng của mình chứ không nhân danh Giáo hội hay nước Pháp.Năm 1777, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn bắt tại Long Xuyên. Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát được, lang thang hết nơi này sang nơi khác, sau cùng đã gặp Giám mục Bá Đa Lộc tại Chantabun trên lãnh thổ Thái Lan. Giám mục đã nuôi Nguyễn Phúc Ánh và cho ông ẩn núp trong nhà một tháng. Lần thứ hai, năm 1783, quân Tây Sơn vào đánh Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh bị thua trận, phải chạy trốn ra đảo Phú Quốc và lại gặp Giám mục ở đó. Ông đã nhờ Giám mục viết thư tới Manila, xin người Tây Ban Nha giúp, nhưng không được kết quả gì, sau cùng ông đã họp triều đình và quyết định nhờ Giám mục cùng đi với Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh qua cầu viện nước Pháp (1785).Triều đình Pháp lúc đó đã họp và đã đưa ra đủ mọi lý do để khuyên vua từ chối. Nhưng Walewski, vị Thượng thư đại diện vua cho biết vì Hoàng hậu muốn giúp Giám mục nên triều đình đã thông qua một hiệp ước (ký kết tại Versailles ngày 28-11-1787 gồm 10 điểm) theo đó nước Pháp hứa sẽ giúp cho Nguyễn Phúc Ánh 4 chiến hạm, 1200 lính bộ binh, 200 lính pháo binh, 250 lính người Phi châu với đầy đủ khí giới và tàu bè chuyên chở... và chúa Nguyễn cũng hứa nhường cho Pháp đảo Côn Lôn và một hòn đảo ngoài cửa Hội An (cù lao Chàm) để lập cơ sở thương mại, được quyền sử dụng cửa biển Đà Nẵng...Bá tước De Conway, đại diện Pháp tại Pondichéry (Ấn Độ) là người sẽ thi hành hiệp ước đó. Ông đã gởi một đại úy pháo binh đến nghiên cứu tình hình tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Viên sĩ quan này đã nhận định rằng vùng này không có khả năng gì để khai thác về mặt thương mại và việc giúp một ông vua trẻ lấy lại nước đã mất, với hai bàn tay trắng chống lại với một lực lượng quá hùng mạnh của kẻ thù là điều không có hy vọng gì thành công. Dựa vào báo cáo đó, Bá tước De Conway ở Pondichéry đã phúc trình “cuộc hành quân sẽ bất lợi cho nước Pháp”.Qua thư đề ngày 14 tháng 10 năm 1788, vua Pháp chỉ thị cho De Conway phải tìm cách trì hoãn “không thi hành” hiệp ước Versailles...Vị Giám mục đã phải chờ đợi đến hai năm mà không có kết quả gì, cuối cùng ông đã dùng tiền của các nhà hảo tâm giúp đỡ, mua tàu bè, súng đạn và vận động một vài người quen biết về giúp Gia Long (như Chaigneau, Vanier, Dayot, Olivier, Manuel...)Ngày 24 tháng 7 năm 1789, Giám mục và Hoàng tử Cảnh về đến Vũng Tàu thì Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm lại Gia Định trước đó.Trong một thư đề ngày 17 tháng Chạp năm Cảnh Hưng thứ 50 (31 tháng 01 năm 1790), chúa Nguyễn Phúc Ánh báo tin cho vua Pháp biết ông đã chiếm lại được giang sơn của tổ tiên (Gia Định), đã tổ chức được một đạo quân hùng mạnh với đầy đủ khí giới, do đó không cần đến sự giúp đỡ của Pháp nữa.Do cảm tình giữa Giám mục và chúa Nguyễn Phúc Ánh nên Giám mục đã giúp chúa Nguyễn khôi phục lại giang sơn của tổ tiên, chứ không phải mục đích muốn đưa người Pháp vào cai trị nước Việt Nam. Chính trong thời gian đó, cũng đã có nhiều giáo sĩ bất đồng với hành động của Giám mục Bá Đa Lộc và đã có người viết thư khuyên ông không nên dính líu vào việc chính trị vì việc làm của ông đã khiến cho Tây Sơn giết hại người Công giáo.Ngoài ra, xét về mặt tâm lý, chắc chắn lúc đó những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn cũng như những ai ủng hộ Gia Long đều cho rằng hành động của Giám mục là hợp lý. Thế nhưng các vua kế vị Gia Long và nhiều quan lại về sau lại chủ trương giết hại người Công giáo. Vậy có công bằng không khi lên án các nhà truyền giáo, lên án đạo Công giáo là đã đưa thực dân Pháp vào chiếm nước ta?–––––––Nền văn hóa Kitô giáoTrước khi người Pháp đến xâm lăng nước ta vào năm 1858 thì đạo Công giáo đã được truyền vào nước ta cả mấy trăm năm rồi. Mặc dù bị cấm cách, bị bách hại đến mất cả mạng sống nhưng người theo đạo vẫn không từ bỏ đức tin. Chắc chắn người theo đạo cũng như người dân sống dưới chế độ quân chủ phong kiến đều biết rằng họ phải vâng lời vua chúa. Mệnh lệnh của vua là tuyệt đối, ai không tuân theo thì bị kết tội bất trung. Bề tôi bất trung bị khép tội tử hình...Người theo đạo Công giáo biết rõ điều đó và họ đã chấp nhận cái chết mà không từ bỏ đức tin mặc dù họ biết rằng làm như thế thì bị kết án là “đồ bất trung”.Người Pháp đến chiếm nước Việt Nam, bóc lột dân Việt Nam... Người Việt Nam đứng lên đánh đuổi người Pháp để giành độc lập. Các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam rao truyền tình huynh đệ, bác ái, công bằng, lòng hiếu thảo với cha mẹ, từ bỏ điều ác để theo điều thiện và tin có sự thưởng phạt đời sau. Các nhà truyền giáo đã đặt ra chữ viết, xây trường học, bệnh viện, trại mồ côi, tổ chức thành những giáo xứ có đời sống đạo đức, văn hóa tốt đẹp, tạo nên tình đoàn kết, yêu thương giữa mọi người. Dân tộc Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp chứ không chống lại tôn giáo mới này.Bên cạnh nhà thờ Công giáo thường có trường sơ học từ mẫu giáo, lớp 1 đến lớp 3... Trường học do các dòng tu giảng dạy nhận mọi thành phần học sinh mà không phân biệt lương–giáo. Chủng viện của các giáo phận đào tạo linh mục là những người có trình độ trí thức cao. Nhờ tổ chức trường tư thục Công giáo mà từ cấp giáo xứ đến cấp thị xã, tỉnh đều có trường tiểu học hoặc hơn nữa là trường trung học. Các giáo xứ và dòng tu còn điều hành nhà thương (trạm xá hoặc bệnh viện), nhà nuôi trẻ mồ côi, một vài nơi còn có trại phong cùi... Hình ảnh các tu sĩ phục vụ trong các bệnh viện, trại mồ côi, trại cùi... là những hình ảnh đích thực của đạo Công giáo. Đó là quà tặng của Giáo hội Công giáo đối với dân tộc Việt Nam.Nếu một số người có sự hiểu lầm (vì thiếu hiểu biết về đạo Công giáo) thì cũng có số lớn đã hiểu rõ đạo Công giáo và sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin trải qua các cuộc đàn áp tàn bạo dưới thời đại phong kiến. Đã có trên 200.000 người chết vì đạo trong suốt mấy trăm năm và 117 vị tiêu biểu đã được Giáo hội tôn vinh lên bậc hiển thánh. Sự kiện đạo Công giáo vẫn tồn tại và phát triển chứng minh rằng dân tộc Việt Nam không kỳ thị, không xua đuổi đạo đó. Nếu các chính quyền để cho dân chúng được tự do thì đạo Công giáo chắc chắn đã phát triển nhanh hơn và con số người theo đạo không chỉ có khoảng 7 triệu tại Việt Nam như ngày nay.–––––––Kết luậnLịch sử truyền giáo tại Việt Nam đã được 450 năm. Lịch sử đó đi đôi với việc bách hại, đàn áp đạo Công giáo.Tôn giáo là phần cao nhất trong sinh hoạt tinh thần của con người. Con người đi từ ăn mặc, nhà ở, giải trí, văn chương, nghệ thuật, triết lý, chính trị... Và, cao hơn hết là tôn giáo. Đó là niềm tin của con người.Một chế độ chính trị có thể kéo dài vài chục năm, vài trăm năm rồi cũng có ngày tàn. Nhưng tôn giáo, một khi đã thành tổ chức rồi, một khi đã có người nhận rằng đó là chân lý và đã tin theo rồi thì dù chính quyền có đàn áp dã man, dù phải mất mạng sống... người ta vẫn không từ bỏ niềm tin của mình. Đế quốc La Mã đã đàn áp đức tin gần 300 năm mà Kitô giáo vẫn còn, nhưng Đế quốc La Mã đã cáo chung. Các chế độ độc tài chủ trương tiêu diệt Kitô giáo đã và sẽ qua đi nhưng Kitô giáo vẫn tồn tại.